KINH NGHIỆM CHĂM SÓC THAI PHỤ KHI BỊ TỤ DỊCH MÀNG NUÔI

Mình sinh 3 em bé đều có tụ dịch màng nuôi ở tuần thứ 4 đến tuần thứ 8. Nên ở bài viết này mình chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc mẹ bầu khi bị tụ dịch màng nuôi, để mẹ nào khi mang thai từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 có tụ dịch màng nuôi tham khảo và bớt lo lắng.

. Tụ dịch màng nuôi là gì?

Tụ dịch màng nuôi thường xảy ra ở 3 tháng đầu khi mang thai, là tình trạng tụ máu tại khoảng không gian nằm giữa nhau thai và tử cung. Khi những cục máu này lớn dần sẽ khiến túi thai tách ra khỏi tử cung và làm tăng nguy cơ sảy thai.

Biểu hiện khi bị tụ dịch màng nuôi:

–  Ra máu đỏ tươi hoặc xuất hiện máu cục

– Dịch âm đạo có biểu hiện bất thường như: Lượng dịch ra nhiều hơn, có lẫn máu trong dịch nên có màu hồng hoặc nâu.

– Vùng thắt lưng nhức mỏi

– Đau bụng âm ỉ theo từng cơn.

Nguyên nhân khi bị tụ dịch màng nuôi:

– Do thai phụ mang thai khi lớn tuổi (ngoài 35 tuổi).

– Do thay đổi nội tiết tố

– Do mang thai lần đầu và phải lao động nặng, di chuyển nhiều.

– Ngoài ra còn nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.

Khi mang thai bé đầu năm 2012, lười tìm hiểu thông tin lắm, nhưng mình không có bị xuất huyết mà chỉ hơi đau bụng như mình đến tháng thôi. Khi mình đi siêu âm tại một phòng khám tư khá nổi tiếng gần nhà lúc 5 tuần 6 ngày, bác sĩ nói mình có tụ dịch màng nuôi ở hai khoảng hai bên, khá dài. Lúc đó mình cũng lo lắm, vì lần đầu mang thai mà. Sau đó bác sĩ kê thuốc tiêu dịch cho mình uống cho nhanh hết. Mình lại lo uống thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến con. Nhưng bác sĩ bảo không sao, nên uống cho nhanh tiêu dịch, thuốc không ảnh hưởng gì đến con nên mình cũng yên tâm uống. Sau 2 tuần thị hết tụ dịch.

Đến khi mang thai bé thứ 2 và thứ 3 thì mình tìm hiểu kỹ thông tin hơn. Mình cũng phát hiện tụ dịch màng nuôi khi siêu âm thai lúc gần 5 tuần.

Tìm hiểu nhiều thông tin về tụ dịch màng nuôi, mình thấy như trường hợp của mình thuộc trường hợp tụ dịch màng nuôi sinh lý chứ không phải tụ dịch màng nuôi bệnh lý, vì mình không có những biểu hiện như đau bụng hay ra huyết. Nên mình quyết định không uống thuốc, mặc dù bác sĩ có kê, mình chỉ nghỉ ngơi nhiều hơn, đi lại, làm việc nhẹ nhàng. Sau hai tuần mình đi siêu âm lại thì thấy kích thước màng nuôi giảm nhiều so với trước. Vậy là mình yên tâm nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng, đến tuần thứ 8 mình đi siêu âm thì không còn dịch nữa.

Nghỉ ngơi ở đây không phải là nghỉ nằm một chỗ ở nhà đâu. Mình đi làm văn phòng công việc không quá nhiều. Nên chế độ của mình là:

– Ăn uống: ở cơ quan hay ở nhà thì mình đều ăn như nhau không ăn các món quá nhiều dầu mỡ, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, ăn ít muối. Ví dụ như ăn rau luộc thì mình không chấm.

– Đi lại: Đi chậm hơn, nhẹ nhàng hơn. Lúc không bầu mình toàn phóng xe máy vù vù 40 – 35 km/h. Lúc này mình chỉ đi 30 km/h tránh đi vào chỗ sóc, chọn đường êm nhất để đi.

– Nghỉ ngơi: Tư thế nằm nghỉ quan trong lắm nhé. Mẹ nên nằm nghiêng sang bên trái, nếu thấy tức bụng thì lót cái áo xuống dưới bụng. Chân trái duỗi thằng, chân phải co lại, đặt một cái gối ở giữa hai chân để giảm áp lực cho xương chậu. Với tư thế này, tim sẽ thúc đẩy hoạt động một cách hiệu quả, máu được lưu thông dễ dàng tới dạ con, bào thai và thận. Lúc ở nhà thì mình nằm nhiều hơn thôi.

Đấy là trường hợp của mình, còn nhiều trường hợp khác các mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé. Đặc biệt là các trường hợp bị đau bụng âm ỉ hoặc ra huyết âm đạo.

Ngoài ra các mẹ cần lưu ý:

– Kiêng chuyện chăn gối, tránh xoa ngực, núm vú để hạn chế nguy cơ sinh non.

– Uống đủ nước, có chế độ ăn khoa học để cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi, phòng ngừa nguy cơ táo bón.

– Thăm khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi lượng dịch và có phương pháp điều trị mang lại kết quả tốt nhất.

– Hạn chế đi lại, mang vác vật nặng.

Hy vọng bài viết này, giúp các mẹ có thêm nhiều thông tin về tụ dịch màng nuôi.

Chúc các mẹ thai kỳ khỏe mạnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang